Một số lời khuyên của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI):
- Nếu sản phẩm nuôi trồng thủy sản của bạn chưa có chứng nhận ASC, hãy làm theo hướng dẫn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (the Aquaculture Stewardship Council) để đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận ASC cũng như có được sự hỗ trợ cần thiết trong việc có được chứng nhận này. Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản đã chia sẻ rất nhiều về các tiêu chuẩn ASC, chứng nhận nhóm và các chương trình cải tiến ASC; liên tục cập nhật và định kỳ hàng tháng công bố thông tin về chứng nhận ASC.
- Nếu sản phẩm đánh bắt tự nhiên của bạn chưa có chứng nhận MSC, hãy làm theo hướng dẫn của Hội đồng Quản lý Biển (the Marine Stewardship Council) để đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận MSC cũng như có được sự hỗ trợ cần thiết trong việc có được chứng nhận này. Hội đồng Quản lý Biển đã chia sẻ rất nhiều về chương trình nâng cao năng lực và hướng dẫn chứng nhận nghề cá MSC. Bạn có thể chủ động tìm hiểu về sự tăng trưởng và mở rộng thị trường tại Báo cáo thường niên 2018-2019 (trang 32) của Hội đồng Quản lý Biển, tìm hiểu về sự mở rộng của MSC từ năm 2000 đến năm 2019; và xem Báo cáo thường niên 2019-2020 của Hội đồng Quản lý Biển, tìm hiểu về những phát triển của MSC trong năm COVID-19 tấn công thị trường thủy sản toàn cầu.
- Đọc kết quả nghiên cứu “Thống kê và Triển vọng Thị trường” của CBI (the CBI Market Statistics and Outlook study) để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các khu vực trong cách tiêu dùng và nhập khẩu của họ.
- Hỏi khách hàng của bạn về các yêu cầu chứng nhận tính bền vững mà họ mong muốn doanh nghiệp của bạn đáp ứng. Nếu có thể, hãy hợp tác với các nhà nhập khẩu để nhận được sự hỗ trợ của họ trong việc nhận được các chứng nhận này. Hãy tìm hiểu xem Ahold Delhaize đã nói gì về tầm quan trọng của tính bền vững đối với các sản phẩm thủy hải sản của họ.
- Đặc biệt là, bạn đừng bao giờ coi giấy chứng nhận như một phương tiện để đẩy giá bán cao lên cho các sản phẩm của bạn; hãy chỉ xem nó như một yêu cầu tiếp cận thị trường đối với các thị trường bán lẻ ở Châu Âu.
- Nghiên cứu kỹ hơn Sáng kiến Thủy sản Bền vững Toàn cầu (the Global Sustainable Seafood Initiative - GSSI) để biết được tiêu chuẩn của GSSI đối với sản phẩm thủy sản bền vững, cũng như biết được các tiêu chuẩn đã được GSSI công nhận. Qua đó, giúp bạn quyết định các tiêu chuẩn chứng nhận mà bạn sẽ xem xét đáp ứng (khi bạn muốn tiếp cận thị trường Châu Âu).
Chứng nhận sản phẩm thủy sản bền vững
Trong một thời gian dài, chứng nhận sản phẩm thủy sản bền vững chủ yếu được yêu cầu trong lĩnh vực bán lẻ, nơi mà các sản phẩm được tiếp thị và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Tại thị trường bán lẻ, công ty sẽ phải chú ý nhiều hơn đến danh tiếng của mình. Trái lại, ở thị trường bán buôn, những doanh nghiệp bán sản phẩm cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống lại cho rằng các đầu bếp nhà hàng không quan tâm nhiều đến chứng nhận bền vững và khách hàng đang ăn tại nhà hàng cũng không yêu cầu điều đó. Các doanh nghiệp bán buôn lập luận rằng, người đầu bếp thường nói “tính bền vững là quan trọng, nhưng giá cả còn quan trọng hơn”. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi.
Thông thường, phải mất khoảng 5 năm để kênh bán lẻ tạo được sức hút trong lĩnh vực "ăn uống ngoài nhà". Điều này đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đối với các sản phẩm thủy sản bền vững. Ở Tây Bắc Âu, các đầu bếp nhà hàng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về việc người tiêu dùng muốn biết chính xác tất cả thực phẩm họ ăn là sản phẩm thủy sản bền vững. Mặc dù tốc độ chuyển biến dường như khá chậm, nhưng nhìn chung trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà hàng thực hiện việc tiếp thị nhà hàng của mình chỉ bán sản phẩm thủy sản bền vững.
Tuy nhiên, những tuyên bố mà các nhà hàng ở Tây Bắc Âu đề cập về tính bền vững của những sản phẩm họ đang bán đôi khi lại là sản phẩm thủy sản không có giấy chứng nhận. Ở khu vực này của Châu Âu, các nhà hàng thường bán các loại cá khác với các loại cá do đối tác bán lẻ của họ cung cấp và một số sản phẩm không có giấy chứng nhận. Để giải quyết tình trạng nhập nhèm này, các nhà hàng ở Tây Bắc Âu có xu hướng cam kết chỉ bán các loại hải sản được giới thiệu trong sách hướng dẫn về hải sản, chẳng hạn như Good Fish Guide.
Tổ chức Good Fish Foundation có trụ sở tại Hà Lan, đã làm việc tích cực với các nhà hàng và thực hiện các chiến dịch thuyết phục khách hàng tiêu dùng sản phẩm thủy sản bền vững. Theo kinh nghiệm của Good Fish Foundation, một khi các đầu bếp bị thuyết phục và yêu cầu nguồn nguyên liệu chế biến là sản phẩm thủy sản bền vững, những nhà bán buôn sẽ tiến hành mở rộng dịch vụ cung cấp sản phẩm thủy sản bền vững cho các nhà hàng. Ngày càng có nhiều nhà bán buôn thủy sản có quy mô nhỏ hơn ( như Ecoseafood - cũng có trụ sở tại Hà Lan) chỉ tập trung kinh doanh các sản phẩm thủy sản bền vững.
Một nhà bán buôn thủy đặc sản Hà Lan (có tên Jan van As) quyết định sản xuất Fish&Season (thủy sản theo mùa) cung cấp cho ngành khách sạn, nhà hàng, kênh bán lẻ và dịch vụ ăn uống; Theo đó, thủy sản được đánh bắt đúng mùa vụ và chỉ sử dụng các phương pháp khai thác bền vững nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Các chuyên gia thủy sản của Jan van As sẽ tư vấn cho các đầu bếp về những loài thủy sản được khai thác bền vững mỗi khi tới mùa thu hoạch. Bên cạnh đó, chuyên gia thủy sản của Jan van As còn cung cấp thực đơn và đề xuất các lựa chọn thay thế để sử dụng thủy sản chất lượng cao, bền vững, đồng thời vẫn tính đến tỷ suất lợi nhuận cho nhà hàng. Bởi vì trên thực tế, các doanh nghiệp thực phẩm thường thay đổi thực đơn theo mùa, Jan van As đã phát triển công cụ hỗ trợ thực đơn để giúp các đầu bếp dễ dàng chọn lựa sản phẩm thủy sản bền vững khi điều chỉnh thực đơn.
Ủy ban châu Âu cũng đang kích thích xu hướng này phát triển. Gần đây, họ đã khởi động Taste the Ocean, một chiến dịch truyền thông xã hội trong đó các đầu bếp hàng đầu sẽ thực hiện việc quảng bá tiêu thụ thủy hải sản được đánh bắt hoặc sản xuất bền vững. Chiến dịch thúc đẩy tiêu thụ thủy sản và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng trong tiêu dùng địa phương: theo mùa và bền vững. Các đầu bếp hàng đầu từ 09 quốc gia EU sẽ chia sẻ công thức nấu ăn của họ trong việc chế biến cá và nhuyễn thể hai mảnh vỏ được thu hoạch từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Người bán buôn cũng có thể quyết định bán nhiều hải sản được chứng nhận hơn nếu giá của hải sản được chứng nhận bền vững giảm xuống (ít nhiều bằng với giá của các đối thủ cạnh tranh thông thường của họ). Điều này đã xảy ra trong đợt giảm giá năm 2018 đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Sligro - một trong những nhà bán buôn lớn nhất của Hà Lan, đã bất ngờ yêu cầu nhà cung cấp tôm của họ, Fisherman's Choice, chỉ cung cấp tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương đã được chứng nhận ASC.
Mọi người tin tưởng rằng xu hướng này ngày càng tăng; yêu cầu về thủy sản bền vững trong lĩnh vực bán buôn sẽ lan truyền mạnh mẽ giống như đã từng diễn ra ở kênh bán lẻ. Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, trong một vài năm tới, nhu cầu về thủy sản bền vững sẽ tăng lên trên thị trường bán buôn châu Âu. Mặc dù chủ đề này có vẻ không phù hợp với bạn nếu bạn hiện không cung cấp bán lẻ, nhưng nếu bạn muốn đi trước các đối thủ cạnh tranh của mình thì tốt hơn hết bạn nên bắt đầu xem xét về tính bền vững của các mặt hàng thủy hải sản mà bạn đang kinh doanh.
Vì COVID-19, phần lớn ngành dịch vụ ăn uống đã đóng cửa trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa. Lĩnh vực này chỉ mới bắt đầu mở cửa trở lại nên không chắc điều gì sẽ xảy ra và nó sẽ phục hồi như thế nào. Tuy nhiên, xu hướng phát triển các sản phẩm bền vững trong dịch vụ ăn uống sẽ vẫn tiếp tục. Như đã từng đề cập nhiều lần trước đây, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với sản phẩm thủy sản bền vững. Điều này sẽ hỗ trợ sự phát triển liên tục của ngành dịch vụ thực phẩm, hướng tới cam kết tăng cường các sản phẩm thủy hải sản bền vững.
Lời khuyên của CBI:
- Kiểm tra xem sản phẩm thủy sản mà bạn đang kinh doanh có được đề xuất lựa chọn trong các quyển hướng dẫn (i) Good Fish Guide (của tổ chức Good Fish Foundation ở Hà Lan); hay (ii) Good Fish guide (của Tổ chức Bảo tồn Biển ở Vương quốc Anh - the Marine Conservation).
- Sử dụng ứng dụng dịch thuật của Google nếu bạn đang cố gắng truy cập trang web của công ty được liên kết trong nghiên cứu này và trang web không có sẵn ngôn ngữ bạn quen thuộc (hoặc bật chức năng dịch tự động trong trình duyệt của bạn). Tuy nhiên, cũng cần xác định các công ty mà bạn quan tâm có thể chỉ dịch các trang web của họ sang những ngôn ngữ mà họ sử dụng thường xuyên.
- Kiểm tra thực đơn của Bagels & Beans, một thương hiệu nhượng quyền của Hà Lan với hơn 80 địa điểm cung cấp cá hồi hun khói "Fish Tales". Fish Tales là một thương hiệu tập trung vào bán lẻ nhưng đã thâm nhập cả vào lĩnh vực dịch vụ ăn uống.
- Xem xét sáng kiến Fish&Season của Jan van As trong việc giúp đầu bếp điều chỉnh thực đơn (dựa trên danh sách các loài hải sản đang vào mùa thu hoạch) và chương trình đối tác (theo đó, các đối tác sẽ nhận được số liệu thống kê số lượng thu mua hàng tháng cũng như số lượng thủy sản bền vững đã được thu mua), đồng thời nhận những lời khuyến nghị riêng.
- Hãy xem chiến dịch Taste the Ocean của Ủy ban Châu Âu và cách mà 09 đầu bếp Châu Âu trở thành Đại sứ Thủy sản Bền vững (Sustainable Seafood Ambassadors).
Giá trị của những câu chuyện có liên quan đến sản phẩm kinh doanh
Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với nguồn gốc thực phẩm, cách thức sản xuất và hành trình “từ trang trại đến bàn ăn” vẫn tiếp tục tăng lên. Đại dịch COVID-19 càng khiến cho mối quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề sức khỏe, hạnh phúc tăng lên; mọi người ngày càng chú ý đến câu chuyện đằng sau các sản phẩm mà bạn cung cấp. Cho dù đó là câu chuyện về lợi ích sức khỏe hay tính bền vững của phương pháp sản xuất. Đặc biệt là, nếu khách hàng của bạn là nhà bán lẻ và bao bì của bạn đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì câu chuyện của bạn sẽ tăng thêm phần giá trị. Những người tiêu dùng luôn có nhu cầu về các sản phẩm đích thực, lành mạnh và bền vững. Trong một thị trường đông đúc người mua – kẻ bán, câu chuyện của bạn có thể cho phép bạn thu hút nhiều người tiêu dùng hơn đến với sản phẩm của mình và tăng lợi nhuận kinh doanh.
Để bắt kịp xu hướng này, bạn phải nghĩ về sản phẩm của mình và câu chuyện có liên quan đến sản phẩm. Câu chuyện này có thể là về phương pháp sản xuất đã được sử dụng, những nhà sản xuất có liên quan hoặc đơn giản là những lợi ích về mặt sức khỏe mà sản phẩm của bạn đem đến cho người tiêu dùng. Hãy tưởng tượng hình ảnh lãng mạn về một người nông dân sản xuất quy mô nhỏ (người nông dân nuôi cá rô phi bền vững) với nụ cười hạnh phúc. Hãy tưởng tượng việc nhìn thấy hình ảnh này trên một gói hàng sẽ thu hút cảm xúc của người tiêu dùng cuối cùng như thế nào, khi họ quyết định lựa chọn giữa phi lê cá rô phi này và phi lê cá rô phi khác.
Có một số cách để phát triển câu chuyện xung quanh các sản phẩm của bạn. Bạn có thể làm điều này cùng với khách hàng của mình, tận dụng kiến thức thị trường tuyệt vời của họ. Hoặc là bạn có thể hợp tác với các nhà sản xuất khác trong khu vực của mình để phát triển thương hiệu chung hoặc mở một chiến dịch quảng bá cho sản phẩm của mình. Tất cả bắt đầu với việc bạn xem xét các điểm bán hàng độc đáo tồn tại trong chính doanh nghiệp của bạn và các sản phẩm bạn kinh doanh.
Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)